Cây thục qùy có nguồn gốc từ nước ngoài, được du nhập và trồng làm cảnh vào dịp Tết nguyên đán ở nước ta vì có hoa rất đẹp. Là loại cây sống lưu niên, thân thẳng, có lông cao 2 – 3m.
Ảnh minh họa
Lá thục qùy mọc so le, dạng tim, chia thùy, rộng tới 30cm. Hoa có cuống ngắn, ở ngọn thân, to, màu trắng, hồng, đỏ, thường xếp từng đôi. Quả nằm trong đài, các phần quả không mở. Mùa ra hoa hoa tháng 7 – 9. Tuy nhiên, hiện nay cây đã được lai tạo nên cây lùn, hoa ra từ mùa đông – xuân có màu sắc khác nhau từ màu trắng đến đỏ đậm, cánh hoa đơn hay kép. Toàn cây từ hoa, rễ, lá đến hạt đều có tác dụng làm thuốc.
Để làm thuốc, thu hái hoa vào cuối vụ khi hoa đã nở to, phơi khô trong râm. Hạt thu hái vào mùa hè, phơi khô. Rễ thu hái vào mùa thu – đông, rửa sạch, phơi khô.
Theo y học cổ truyền, hoa có vị ngọt, mặn, tính hàn; có tác dụng lợi niệu nhuận táo, hoạt huyết điều kinh, tán ung thũng, giải độc. Hạt có vị ngọt, tính hàn; có tác dụng lợi niệu thông lãm, thông đại tiện; còn có tác dụng hạ nhiệt. Rễ có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ lỵ, lợi niệu.
Một số bài thuốc thường dùng
Bài 1: Chữa táo bón do nóng trong, ít vận động: Hạt thục qùy 12g, rửa sạch, cho vào ấm đổ 500ml sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày. 5 ngày một liệu trình kết hợp với vận động, ăn thức ăn thanh mát dễ tiêu hóa.
Bài 2: Chữa viêm họng sưng đau: Rễ thục qùy 12g hãm thay trà ngậm nuốt dần dần, uống trong ngày khi thuốc còn ấm.
Nếu hắt hơi, sổ mũi, đau nhức xương khớp có thể dùng bài thuốc sau: Lá thục quỳ 20g, hoa cao ích mẫu 20g, hạt lanh 40g. Tất cả rửa sạch đổ 500ml nước, sắc còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày có thể thêm chút mật ong cho dễ uống, uống thuốc lúc còn nóng.
Bài 3: Chữa k.inh n.guyệt không đều: Rễ thục qùy 12g, cho vào ấm đổ 6 bát nước, sắc nhỏ lửa còn 3 bát, chia 3 lần uống trong ngày. Uống trước chu kỳ k.inh n.guyệt 15 ngày. Dùng liền 7 ngày.
Bài 4: Tiểu tiện sẻn đỏ do nóng: Hạt thục qùy 5g; râu ngô, rễ cỏ tranh, bông mã đề, mỗi vị 10g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ ngập vị thuốc sắc nhỏ lửa, uống trong ngày. 5 ngày một liệu trình.
Bài 5: Chữa cảm sốt: Hạt thục qùy 12g, bưởi bung 20g, đổ 6 bát nước, sắc còn 3 bát, chia 3 lần uống lúc còn nóng. Uống liền 3 ngày.
Bài 6: Chữa bỏng lửa, vết thương nông, hẹp: Lá thục qùy một nắm, rửa sạch để ráo nước giã nát đắp vào vết thương, 2 giờ thay băng một lần. Ngày 2 lần.
Để bài thuốc hiệu quả khi áp dụng cần được các nhà chuyên môn bắt mạch kê đơn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tú
Theo SK&ĐS
Cúc áo trị cảm sốt, tê thấp
Theo Đông y, cúc áo có tác dụng giải độc, tán kết, tiêu thũng, giảm đau.
Cúc áo còn gọi là ngổ áo, cỏ the… là một loại cây nhỏ, mọc đứng, có khi mọc bò lan trên mặt đất, mọc hoang ven đường, bãi sông nơi đất ẩm ven rừng, ven suối.
Khi dùng làm thuốc, người dân thường thu hái toàn cây, dùng tươi hay đem phơi khô để dùng; nên thu hái hoa vào lúc còn có màu vàng xanh.
Theo Đông y, cúc áo hoa vàng có vị cay đắng, làm tê lưỡi, tính hơi ấm, có ít độc; có tác dụng giải độc, tán kết, tiêu thũng, giảm đau. Cây và hoa thường được dùng trị cảm sốt đau đầu, viêm phế quản, hen suyễn, sâu răng, nhức xương… với liều lượng 4-12g toàn cây hoặc 4-8g rễ sắc uống. Ngoài ra cũng có thể dùng ngoài trị nhọt độc, lở ngứa, rắn độc cắn, vết thương, tụ m.áu sưng tấy, đau mắt.
Trong nhân dân, công dụng phổ biến nhất là dùng cụm hoa giã nhỏ, ngâm rượu để ngậm khi bị sâu răng, nhức răng, thuốc sẽ làm đỡ đau, có nơi còn dùng thay thuốc tê để nhổ răng. Có nơi còn dùng lá giã đắp trên mi mắt bị sưng đau.
Cảm sốt, đau đầu, ho: Cúc áo hoa vàng tươi 4-12g, sắc uống, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Đau răng, viêm họng: Hoa cúc áo tán nhỏ ngâm rượu ngậm hoặc ngậm tươi nuốt nước.
Tê thấp: Rễ cúc áo, rễ xuyên tiêu, rễ kim cang, rễ chanh, quả màng tang, liều lượng bằng nhau, đều 4-8g, sắc uống.
GS.TS. Đỗ Tất Lợi – Nguyên Trưởng khoa Dược liệu, ĐH Dược Hà Nội
Theo baogiaothong