Hàng trăm nhà khoa học về khí hậu hàng đầu thế giới dự đoán rằng trong thế kỷ này, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên ít nhất 2,5C so với mức thời t.iền công nghiệp, không giữ được các mục tiêu đã đặt ra và sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho nhân loại và hành tinh.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây thiệt hại sâu sắc cho cuộc sống và sinh kế trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: The Guardian
Theo cuộc khảo sát độc quyền của trang The Guardian (Anh), gần 80% người được hỏi, tất cả đều thuộc Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ít nhất 2,5 độ C. Trong số đó, gần một nửa dự đoán nhiệt độ sẽ tăng ít nhất 3 độ C. Chỉ 6% cho rằng nhiệt độ sẽ không vượt mức giới hạn 1,5 C theo thỏa thuận quốc tế.
Nhiều nhà khoa học hình dung ra tương lai bị “phủ bóng đen” – với nạn đói, xung đột, di cư hàng loạt do sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt và bão có cường độ và tần suất vượt xa những gì đã xảy ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng họ cảm thấy vô vọng, phẫn nộ và sợ hãi trước hành động của các chính phủ, bất chấp bằng chứng khoa học rõ ràng.
Bà Gretta Pecl, Giám đốc Trung tâm Xã hội học Biển tại Đại học Tasmania, nói: “Tôi nghĩ chúng ta đang tới gần giai đoạn gián đoạn xã hội lớn trong vòng 5 năm tới. Xã hội sẽ bị choáng váng trước hàng loạt sự kiện cực đoan, việc sản xuất lương thực sẽ bị đình trệ. Tôi không thể cảm thấy tuyệt vọng hơn về tương lai”.
Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cho dù nhiệt độ toàn cầu có tăng cao đến đâu, bởi chỉ cần giảm được 1 độ thì nỗi đau khổ của con người cũng sẽ giảm bớt.
Giáo sư Peter Cox tại Đại học Exeter (Anh) lưu ý: “Biến đổi khí hậu sẽ không đột nhiên trở nên nguy hiểm ở mức 1,5 độ C – dù đây là chuyện đã rồi. Và cũng không phải là ‘trò chơi kết thúc’ nếu vượt ngưỡng tăng 2 độ C”.
Trang The Guardian đã liên hệ với các tác giả chính và biên tập viên đ.ánh giá các báo cáo của IPCC kể từ năm 2018. Gần một nửa (380 trên 843) đã đưa ra câu trả lời. Các báo cáo của IPCC là những đ.ánh giá tiêu chuẩn vàng về biến đổi khí hậu, được tất cả các chính phủ đồng ý và được đưa ra bởi các chuyên gia về khoa học vật lý và xã hội. Kết quả cho thấy nhiều người trong số đó dự đoán mức độ tàn phá khí hậu sẽ diễn ra trong những thập niên tới.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cuộc sống và sinh kế trên toàn thế giới, với mức nhiệt độ toàn cầu trung bình tăng 1,2 độ C trong 4 năm qua.
Bà Nathalie Hilmi tại Trung tâm Khoa học Monaco dự đoán nhiệt độ sẽ tăng 3 độ C và cũng đồng ý rằng: “Chúng ta không thể duy trì nhiệt độ tăng ở mức dưới 1,5 độ C”.
Nhà khoa học Jesse Keenan tại Đại học Tulane (Mỹ) cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu.
Cây cối bị thiêu rụi do cháy rừng ở Rhodes, Hy Lạp, nơi hứng chịu trận cháy rừng lớn nhất từng được ghi nhận ở châu Âu. Ảnh: AFP/Getty Images
Các chuyên gia lưu ý việc quan trọng nhất hiện nay là chuẩn bị các biện pháp bảo vệ con người khỏi những thảm họa khí hậu tồi tệ nhất.
Chuyên gia Leticia Cotrim da Cunha tại Đại học bang Rio de Janeiro bày tỏ: “Tôi vô cùng lo lắng về cái giá phải trả đối với sự sống của con người”.
Mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ nhất được coi là kim chỉ nam quan trọng cho các cuộc đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, các chính sách khí hậu hiện tại cho thấy thế giới dường như đang hướng tới mức tăng nhiệt độ khoảng 2,7 độ C. Và cuộc khảo sát của The Guardian cho thấy rất ít chuyên gia của IPCC dự báo thế giới sẽ thực hiện những hành động to lớn cần thiết để giảm mức nhiệt độ đó.
Chuyên gia Dipak Dasgupta tại Viện Năng lượng và Tài nguyên ở New Delhi, cho biết: “Nếu thế giới này, dù giàu có đến đâu, không hành động gì để giải quyết hoàn cảnh khó khăn của người nghèo, thì cuối cùng tất cả chúng ta đều thua cuộc”.
Các chuyên gia cũng giải thích lý do thế giới không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Gần 3/4 số người được hỏi cho rằng nguyên nhân là do thiếu ý chí chính trị, trong khi 60% đổ lỗi cho việc bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, chẳng hạn ngành nhiên liệu hóa thạch.
Nhiều người cũng đề cập đến tình trạng bất bình đẳng và các nước giàu có thất bại trong việc giúp đỡ người nghèo, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi tác động của khí hậu.
Trong khi đó, 1/4 số chuyên gia của IPCC cho rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ở mức 2 độ C hoặc thấp hơn. Song chính họ cũng bi quan với hy vọng của mình.
Chuyên gia Henry Neufeldt tại Trung tâm Khí hậu Copenhagen của Liên hợp quốc, chia sẻ: “Tôi tin rằng chúng ta có tất cả các giải pháp cần thiết cho lộ trình 1,5 độ C và chúng ta sẽ thực hiện chúng trong 20 năm tới. Nhưng tôi e rằng hành động của chúng ta có thể quá muộn và chúng ta sẽ vượt qua một hoặc nhiều điểm tới hạn”.
Bà Lisa Schipper tại Đại học Bonn ở Đức cho hay: “Nguồn hy vọng duy nhất của tôi là với tư cách của một nhà giáo dục, tôi có thể chứng kiến thế hệ tiếp theo thông minh hơn trong các chính sách ứng xử với môi trường”.
Greenland mất 30 triệu tấn băng mỗi giờ vì khủng hoảng khí hậu
Một nghiên cứu tiết lộ tảng băng ở Greenland đang mất trung bình 30 triệu tấn băng mỗi giờ do khủng hoảng khí hậu, nhiều hơn 20% so với suy đoán trước đây.
Ảnh: Getty Images
Theo trang The Guardian (Anh), nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature đã sử dụng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo để lập bản đồ hơn 235.000 vị trí cuối cùng của nhiều sông băng trong khoảng thời gian 38 năm. Kết quả cho thấy dải băng Greenland đã mất đi khoảng 5.000 km2 diện tích ở rìa tảng băng kể từ năm 1985, tương đương với 1 nghìn tỷ tấn băng từ năm 1985 đến năm 2022.
Bản cập nhật gần đây nhất từ dự án đối chiếu tất cả các phép đo khác về băng ở Greenland cho thấy 221 tỷ tấn băng đã bị mất đi mỗi năm kể từ năm 2003. Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng mỗi năm, Greenland mất đi 43 tỷ tấn băng, khiến tổng lượng băng bị mất đi trung bình khoảng 30 triệu tấn mỗi giờ.
Một số nhà khoa học lo ngại nguồn nước ngọt đổ vào phía bắc Đại Tây Dương này có thể đồng nghĩa với việc dòng hải lưu bị suy giảm, được gọi là hoàn lưu đảo ngược kinh tuyến Đại Tây Dương (Amoc), để lại những hậu quả nặng nề cho nhân loại.
Việc mất đi lượng băng lớn ở Greenland do nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ.Các kỹ thuật được sử dụng cho đến nay, chẳng hạn đo chiều cao của tảng băng hoặc trọng lượng băng thông qua dữ liệu trọng lực, rất hữu ích trong việc xác định lượng băng bị mất đi ở đại dương và khiến mực nước biển dâng cao.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể giải thích được sự thu hẹp của các dòng sông băng vốn nằm chủ yếu dưới mực nước biển trong các vịnh hẹp quanh đảo.
Tiến sĩ Chad Greene, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của Nasa ở Mỹ, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Những thay đổi xung quanh Greenland là rất lớn và chúng đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Hầu hết tất cả các sông băng đều đã tan chảy trong vài thập kỷ qua. Nếu băng tan khiến nước ngọt đổ xuống phía bắc Đại Tây Dương, thì hiện tượng Amoc sẽ suy yếu”.
Amoc được biết là đang ở mức yếu nhất trong 1.600 năm. Năm 2021, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo về điểm giới hạn trong biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hệ thống hải lưu Amoc có nguy cơ sụp đổ ngay sau năm 2025 trong trường hợp xấu nhất. Một phần đáng kể của dải băng Greenland cũng được các nhà khoa học cho là sắp đạt đến điểm giới hạn của sự tan chảy không thể đảo ngược, với lượng băng tương đương với suy đoán mực nước biển dâng cao 1 – 2 mét.
Các nhà khoa học cho biết: Có một số lo ngại rằng bất kỳ nguồn nước ngọt nào cũng có thể đóng vai trò là ‘điểm giới hạn’, có thể khiến dòng hải lưu Đại Tây Dương sụp đổ phá vỡ các hình thái thời tiết, hệ sinh thái và an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay nước ngọt từ sông băng ở Greenland không được đưa vào các mô hình hải dương học. Dòng nước ngọt ít đậm đặc hơn đổ vào biển cũng làm chậm quá trình thông thường của nước mặn nặng hơn ,chìm xuống vùng cực và thúc đẩy sự sụp đổ của hệ thống hải lưu Amoc.
Giáo sư Tim Lenton, tại Đại học Exeter, Vương quốc Anh, không tham gia nghiên cứu, cho biết lượng nước ngọt tràn vào phía bắc Đại Tây Dương là một mối lo ngại, đặc biệt đối với sự hình thành vùng nước sâu ở Biển Labrador và Irminger trong dòng hải lưu cận cực. Các bằng chứng khác cho thấy đây là những khu vực dễ bị rơi vào trạng thái sụp đổ nhất.
“Điều đó sẽ giống như sự sụp đổ một phần của Amoc, nhưng diễn ra nhanh hơn và có tác động sâu sắc đến Vương quốc Anh, Tây Âu, một phần Bắc Mỹ và khu vực Sahel, nơi gió mùa Tây Phi có thể bị gián đoạn nghiêm trọng”.
Tiến sĩ Greene cho rằng việc phát hiện lượng băng mất đi rất quan trọng trong việc tính toán sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất – nghĩa là Trái đất đang hấp thụ thêm bao nhiêu nhiệt từ Mặt Trời do phát thải khí nhà kính do con người gây ra.
“Cần rất nhiều năng lượng để làm tan chảy 1 nghìn tỷ tấn băng. Vì vậy, nếu chúng ta muốn có các mô hình cân bằng năng lượng thật chính xác cho Trái Đất thì điều này phải được tính đến”, ông nói.