Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, tủ đông an toàn

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thời gian bảo quản thức ăn thừa như loại thực phẩm, cách chế biến và cách bảo quản.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thức ăn thừa đông lạnh có thể bảo quản được rất lâu. Nhưng bạn không phải lúc nào cũng có thể lưu trữ và cấp đông thực phẩm đúng cách, điều này khiến thức ăn đông lạnh không giữ được chất lượng, theo trang livestrong.com.

Trái cây và rau củ

Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), rau củ quả nên được rửa sạch dưới vòi nước chảy và bảo quản trong tủ lạnh sạch ở nhiệt độ 4 độ C hoặc thấp hơn.

Rau củ quả nên được rửa sạch dưới vòi nước chảy và bảo quản trong tủ lạnh sạch ở nhiệt độ 4 độ C. Ảnh M.Phúc

Khoai tây và các loại rau đã nấu chín có thể được bảo quản trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày, theo khuyến cáo của USDA.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho biết một số loại trái cây thải ra khí ethylene (táo, chuối, dưa, lê…) khiến các sản phẩm bảo quản chung nhanh hỏng hơn. Do đó, họ khuyến nghị bạn nên bảo quản chúng riêng biệt với các loại nông sản khác.

Sữa và trứng

Theo USDA, trứng sống có thể bảo quản an toàn trong tủ lạnh từ 3 đến 5 tuần kể từ ngày được đặt vào. Trứng luộc chín có thể bảo quản được 1 tuần. Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản trứng và các sản phẩm từ sữa là 4 độ C hoặc thấp hơn.

Thời gian lưu trữ của các sản phẩm từ sữa khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm. Theo đó, tủ lạnh có thể bảo quản sữa chua 1 đến 2 tuần và sữa tươi 1 tuần.

Thịt và gia cầm

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), thịt và gia cầm đã nấu chín, cùng các loại thịt chế biến sẵn có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày.

Thịt nguội đóng gói, thái lát đã mở bao bì có thể được bảo quản từ 3 đến 5 ngày.

Cá và hải sản

Cá đã nấu chín có thể bảo quản được từ 3 đến 4 ngày, còn cá hun khói có thể giữ đến 14 ngày, theo FDA.

Sở Y tế tiểu bang Washington (Mỹ) cho biết hến, sò tách vỏ sống có thể bảo quản đến 3 ngày, trong khi hến, sò nấu chín còn vỏ có thể giữ được tối đa 2 ngày trong tủ lạnh.

Bánh mì

Bánh mì có thể được bảo quản trong tủ lạnh từ 1 đến 2 tuần. Đặc biệt, bạn không nên ăn bánh mì có dấu hiệu mốc, theo USDA.

Bánh mì có thể được bảo quản trong tủ lạnh từ 1 đến 2 tuần. Ảnh Pexels

Món súp

Các món súp chứa thịt hoặc rau củ có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày, theo thông tin từ HHS.

Các loại bánh ngọt

Thời gian bảo quản bánh ngọt và các món tráng miệng trong tủ lạnh khác nhau, phụ thuộc vào từng loại.

Theo đó, bánh quy mua sẵn hoặc tự làm có thể bảo quản trong tủ lạnh đến 2 tháng. Các loại bánh ngọt mềm nên được dùng trong vòng 1 tuần.

Salad trộn

HHS thông tin rằng các loại salad trộn (như salad trứng, gà, giăm bông, cá ngừ) có thể bảo quản an toàn trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày.

Bác sĩ nhắn gửi ‘đừng biến tủ lạnh thành thùng rác’ trong ngày Tết

Mua thật nhiều thực phẩm sống lẫn chín rồi bảo quản đồ ăn đến chật tủ lạnh là thói quen của không ít người nội trợ trong dịp Tết.

Điều này có thể vô tình biến tủ lạnh thành thùng rác.

Do nhà đông người, mẹ tôi luôn chất đầy tủ lạnh đồ ăn sống lẫn chín, nấu nướng dư thừa rất nhiều mỗi dịp nghỉ Tết Âm lịch. Đồ ăn, rau dưa hư hỏng, tủ lạnh cũng muốn bốc mùi. Mong bác sĩ tư vấn thêm về chuyện tích trữ và bảo quản đồ ăn, tôi lo rằng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn vệ sinh. (Ngân Anh, Đồng Nai)

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Phương Thuỳ, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trả lời:

Việc tích trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh có ảnh hưởng đến sức khỏe không là câu hỏi rất nhiều chị em nội trợ quan tâm, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết dài ngày.

Vấn đề đầu tiên có thể nhìn thấy là tâm lý tích trữ thực phẩm quá nhiều sẽ gây quá tải trong việc bảo quản, đặc biệt là với chiếc tủ lạnh. Chúng ta đừng biến tủ lạnh thành thùng rác.

Thực tế, khi dự trữ quá nhiều thức ăn trong thời gian càng lâu thì hàm lượng dinh dưỡng càng giảm, đồng thời mang theo nguy cơ biến chất và gây độc cho thực phẩm. Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên mua và sử dụng thực phẩm trong vòng 2-3 ngày.

Bên cạnh đó, cách bảo quản thực phẩm cũng rất quan trọng. Với mỗi loại thực phẩm khác nhau, chúng ta cần sơ chế và bảo quản khác nhau. Cụ thể như sau:

– Đối với thực phẩm sống như thịt cá, người nội trợ nên sơ chế và cắt miếng, để hộp đậy kín, trữ trong ngăn đông tủ lạnh nếu chưa dùng. Khi cần sử dụng, bạn rã đông rồi dùng hết phần thịt cá đó, không cấp đông lại một lần nữa.

– Đối với rau xanh, trái cây, củ quả: Rau và trái cây cần rửa sạch, để ráo, bọc kín và để vào ngăn mát tủ lạnh. Củ quả có thể không cần rửa, khi nào sử dụng thì gọt vỏ hoặc ngâm nước.

– Đối với thực phẩm đã chế biến như thịt kho trứng, chân giò hầm măng, khổ qua nhồi thịt: Gia đình nên nấu vừa đủ dùng trong 2-3 ngày, ăn phần nào sẽ lấy phần đó, tránh hâm đi hâm lại nhiều lần.

– Đối với bánh chưng, bánh tết: Loại bánh này nên bảo quản nơi thoáng mát, không nhất thiết phải để trong tủ lạnh. Nếu bánh có dấu hiệu cứng lại, có thể chiên, hấp, luộc lại và sử dụng bình thường.

– Đối với các loại chả lụa, nem chua: Bạn nên bỏ phần vỏ bên ngoài để tránh tình trạng “đổ mồ hôi” rồi lưu trữ trong ngăn mát tủ lạnh, nên dùng hết trong 2 ngày sau khi mở ra.

– Đối với đồ hộp: Cần chú ý hạn sử dụng, nhãn mác, tên nhà sản xuất để đảm bảo đồ hộp an toàn và có chất lượng. Tuyệt đối không sử dụng nếu đồ hộp có dấu hiệu hư hỏng, hộp bị móp, bị phồng hoặc biến dạng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *