Cây gia vị quen thuộc giúp chữa bệnh dạ dày, xương khớp

Từ lâu, củ riềng đã được người dân sử dụng trong ẩm thực cũng như trị bệnh. Công dụng được nhiều người biết đến của vị thuốc – gia vị này là làm giảm sự khó chịu do viêm loét dạ dày và các bệnh về xương khớp.

Nhiều người nói rằng củ riềng cũng có công dụng chữa bệnh như gừng, nhưng tôi chỉ thấy người ta dùng riềng khi nấu giả cầy. Loại cây này có vẻ không phổ biến và hữu ích bằng gừng. Bác sĩ có thể cho biết thêm thông tin không ạ? (Vân Nam, Tây Ninh).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3 trả lời:

Theo nghiên cứu hiện đại, thành phần hóa học của riềng có khoảng 1% tinh dầu, mùi thơm long não, chủ yếu có xineola và metylxinnamat. Ở dạng tươi sống, riềng có mùi hương gần giống như gừng nhưng không cay nồng như vậy.

Ngoài vai trò là loại gia vị góp phần tạo nên hương vị của nhiều món ăn Việt Nam, riềng còn là vị thuốc phổ biến thường dùng trong dân gian. Sau khi đã loại bỏ phần rễ, lá, thân, người ta rửa sạch phần củ rồi cắt lát phơi khô.

Riềng là nguồn cung cấp dồi dào các chất natri, sắt, chất xơ, vitamin A, C và flavanoid… Những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể.

Vì chứa các hoạt chất mang đặc tính kháng viêm nên riềng rất có ích trong việc điều trị viêm khớp, thấp khớp, phong thấp, đau cơ bắp và giúp vết thương mau lành. Ngoài ra, vị thuốc này còn hỗ trợ điều trị chứng khó tiêu, giảm khó chịu do viêm loét dạ dày.

Bên cạnh đó, riềng chứa nhiều chất chống oxy hóa giảm tác hại của các gốc tự do và độc tố khác trong cơ thể, phòng và trị bệnh về da như ghẻ, lang ben, l.ở l.oét và sưng viêm. Ngoài ra, hỗn hợp riềng và nước lá chanh được người dân dùng như thuốc bổ.

Theo y học cổ truyền, riềng có vị cay, mùi thơm, tính ẩm vào hai kinh tì và vị, có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu hóa thức ăn. Riềng tẩm rượu, sấy khô, rồi tán nhỏ và trộn đều uống chữa đau dạ dày. Củ riềng già, chuối xanh và một ít vôi bột giúp trị hắc lào công hiệu.

Riềng kết hợp với một số thảo mộc khác như trần bì, sa nhân, đại táo, quế, nụ sim, thanh bì, bột thảo quả… cũng là những bài thuốc phổ biến trong dân gian.

Những sai lầm cần tránh khi tập thể dục

Khi bắt đầu chương trình tập luyện thể chất, thường có rất nhiều lời khuyên giúp bạn tập luyện dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả những lời khuyên này đều đúng. Dưới đây là một số sai lầm mà bạn cần tránh khi tập luyện.

1. Đau cơ là dấu hiệu cho thấy hiệu quả của buổi tập thể dục

Tập thể dục bị đau cơ là hoàn toàn bình thường, nhất là với các bài tập rèn luyện sức mạnh đòi hỏi phải vận động nhiều cơ bắp.

Tuy nhiên, việc đau cơ không phải là một phần của quá trình luyện tập. Người tập không nên bỏ qua các dấu hiệu của đau cơ, vì có thể đây là một triệu chứng của chấn thương. Nên đến khám để được tư vấn và điều trị kịp thời nếu cơn đau nghiêm trọng và khiến bạn khó chịu, một bộ phận cơ thể bị sưng tấy…

Nên theo dõi mức độ đau cơ sau tập thể dục để có hướng xử trí kịp thời, tránh chấn thương.

Để giảm đau cơ, khi tập bất kỳ một động tác mới nào cũng cần bắt đầu với cường độ thấp rồi dần dần tăng độ khó theo thời gian. Cần để cơ bắp có thời gian thích nghi với các vận động. Ngoài ra, nên khởi động kỹ trước khi tập luyện để giảm nguy cơ chấn thương và tăng hiệu suất luyện tập.

Nếu việc đau cơ khiến bạn cảm thấy khó tập thể dục, có thể nghỉ cho đến khi cơn đau biến mất. Nếu vẫn muốn tập luyện, nên tập các bài tập nhắm mục tiêu đến các cơ ít bị ảnh hưởng hơn, để các nhóm cơ đang bị tổn thương có thời gian phục hồi.

2. Phải luyện tập cường độ cao mới đạt được hiệu quả cao

Nhiều người cho rằng phải nỗ lực tập luyện thì mới đạt được kết quả cao. Với những người muốn có cơ bắp săn chắc nên tập luyện với mức tạ cao nhất. Điều này không có gì sai nếu đó là một vận động viên có kinh nghiệm. Tuy nhiên, những người mới bắt đầu thì việc tập luyện cường độ cao làm tăng nguy cơ chấn thương.

Người mới tập chỉ nên tăng dần mức tạ khi cơ thể đã quen với việc tập luyện.

Với những người mới bắt đầu tập nên tập các bài tập từ dễ đến khó, tập luyện đều đặn và tăng dần mức tạ khi cơ thể đã quen. Lưu ý, chỉ khi thực hiện các bài tập đúng cách thì mới nên sử dụng các loại tạ.

Việc tập luyện liên tục cường độ mạnh và không nghỉ ngơi khiến cơ thể dễ chấn thương, không chỉ đau nhức cơ bắp mà có thể ảnh hưởng đến xương khớp bên trong.

Những người mới tập hoặc sức khỏe vừa phải chỉ nên tập luyện tối đa 60 phút mỗi buổi, tập xen kẽ 3 buổi/tuần để các múi cơ có thời gian hồi phục. Việc duy trì quá trình tập luyện đều đặn sẽ giúp bài tập đạt hiệu quả tốt hơn là tập luyện dồn dập trong thời gian đầu rồi gián đoạn thật lâu vì chấn thương sau đó.

3. Gập bụng tốt cho lưng

Đây là một quan điểm sai. Gập bụng là bài tập hiệu quả trong việc muốn cơ bụng săn chắc và có sáu múi.

Tuy nhiên, các bài tập bụng lại không tốt cho lưng và cột sống. Gập bụng khiến cho cột sống bị kéo căng và ảnh hưởng đến phần đĩa đệm. Chính việc cong lưng liên tục có thể gây đau lưng và làm trầm trọng thêm những tổn thương hiện có. Ngoài ra, việc gập bụng sai cách hoặc quá lạm dụng cũng có thể làm tăng nguy cơ đau lưng.

4. Không cần nghỉ giải lao giữa các hiệp

Nhiều người cho rằng khi tập các bài tập rèn luyện sức mạnh không nên nghỉ giữa các hiệp, bởi việc tập liên tục sẽ giúp kích thích xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Nghỉ ngơi giữa các hiệp tập rất quan trọng. Thời gian nghỉ ngơi giữa các hiệp giúp cơ thể tạo ra năng lượng, phục hồi lại sức khỏe để có thể tiếp tục tập luyện.

Nếu tập luyện mà không cho cơ bắp có thời gian để phục hồi, cơ thể sẽ mệt mỏi cả hệ thần kinh và cơ bắp. Điều này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi nhanh hơn và không thể đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình luyện tập.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *