Bộ Y tế chưa quyết định dừng thuốc Bupicavaine Ba Lan, khi không có loại thay thế yên tâm hơn thì vẫn phải dùng thuốc này.
Báo Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn PGS-TS Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, về các lo ngại liên quan đến thuốc Bupicavaine Ba Lan, bị nghi ngờ là nguyên nhân dẫn tới t.ử v.ong hai sản phụ ở Đà Nẵng hồi giữa tháng 10-2019.
Từng có kiến nghị, cảnh báo
. Phóng viên: Các sự cố liên quan đến thuốc tê Bupicavaine WPW của Ba Lan đang gây lo ngại, nhất là sản phụ được chỉ định gây tê ngoài màng cứng. Về vấn đề này, Hội Gây mê hồi sức Việt Nam có nhận được nhiều phản ánh không, thưa ông?
PGS-TS Công Quyết Thắng: Chúng tôi nghe phản ánh nhiều. Như hồi năm 2018, anh em gây mê hồi sức khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho biết có gặp sự cố với thuốc này, đã kiến nghị và Sở Y tế Cần Thơ đã dừng sử dụng.
Cá nhân tôi thì đang phụ trách gây mê hồi sức của Bệnh viện (BV) Saint Paul thuộc Sở Y tế Hà Nội thì cũng có kiến nghị và sau đó Cục Quản lý dược thông báo dừng sử dụng một lô thuốc như vậy. Hà Nội, Cần Thơ dừng một s.ố l.ô thuốc, chứng tỏ thuốc có vấn đề…
. Tại sao lại chỉ dừng theo lô mà không phải dừng luôn thuốc đó trên toàn quốc, thưa ông?
Cái đó lại phải hỏi Cục Quản lý dược. Còn với anh em chúng tôi, làm những lô thuốc như thế này, chúng tôi sợ lắm!
. Cá nhân ông đã bao giờ sử dụng thuốc của Ba Lan này chưa?
Có rồi chứ! Tự tôi cũng phải sử dụng để tự trải nghiệm nhưng phải chuẩn bị và dùng rất cẩn trọng. Tôi cũng chưa gặp bất thường lần nào với loại thuốc này dù anh em phản ánh khá nhiều…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi sản phụ bị sự cố sau khi gây tê ngoài màng cứng. Ảnh: TÂM AN
Kết luận phải đợi Bộ Y tế
. Hôm vừa rồi, liên quan đến nghi vấn này, PGS có nói với báo chí “sốc phản vệ 100% do thuốc”. Vậy liệu có thể phán đoán sự liên quan của Bupicavaine Ba Lan với các sự cố c.hết người ở Đà Nẵng không?
Tất cả loại thuốc, của bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể gây ra sốc phản vệ. Vì thuốc là hóa chất nhưng trường hợp nào bị thì còn tùy cơ địa. Ngay cả khi xảy ra rồi thì quá trình đ.ánh giá để kết luận là sốc phản vệ cũng rất khó khăn, phức tạp.
Về các hiện tượng bất thường liên quan đến Bupicavaine Ba Lan thì giới gây mê hồi sức chúng tôi cảm nhận là có gì đó lạ so với các thuốc cùng loại trước đây vẫn hay dùng. Loại thuốc này của Ba Lan vào BV khoảng hai năm nay và thấy hiện tượng lạ như vậy chứ trước đây, cũng loại thuốc đấy nhưng sử dụng của hãng có bản quyền hoặc của Pháp thì không có vấn đề gì.
Nhưng ngay cả như vậy thì kết luận có phải do thuốc không vẫn phải đợi Bộ Y tế.
. Tức là hiện tại sẽ có những BV tiếp tục phải dùng Bupicavaine của Ba Lan? Có cách nào để an toàn hơn không?
Đúng rồi. Bộ Y tế chưa quyết định dừng loại thuốc đó, khi không có loại thay thế yên tâm hơn thì vẫn phải dùng thôi.
Về tai biến trong gây tê thì thời gian qua xảy ra khá nhiều. Hội Gây mê hồi sức nhận nhiệm vụ với Vụ Bảo vệ bà mẹ, trẻ sơ sinh của Bộ Y tế là sẽ hoàn thiện các quy trình gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng và cấp cứu đường thở khó, các loại cấp cứu cho bệnh nhân sản khoa. Đồng thời mở các lớp đào tạo nâng cao cho anh em, cùng thống nhất để hoàn thiện các quy trình giúp tránh sai sót về chuyên môn. Nội dung thì chủ yếu bổ sung thêm quy trình theo dõi diễn biến lâm sàng bệnh nhân, kèm theo phác đồ ứng phó khi có bất thường.
. Xin cám ơn PGS.
Thuốc tê Pháp được nhiều nơi lựa chọn
Theo danh sách Cục Quản lý dược công bố kèm theo Công văn 19760 ngày 22-11, hiện có 181 BV, sở y tế các tỉnh/thành đang sử dụng thuốc gây tê chứa Bupivacaine mà không phải do hãng dược Polfa Ba Lan sản xuất. Đây là số thuốc trúng thầu năm 2018-2019, là nguồn cung chủ yếu cho các cơ sở y tế có sử dụng thuốc gây tê loại này.
Danh sách công bố cho thấy nguồn sản xuất thuốc rất đa dạng, có những nhà sản xuất châu Âu như Pháp, Ý, Đức – được xếp vào nhóm 1 uy tín nhất. Ngoài ra, cũng có những nhà sản xuất đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia cũng như một số công ty dược Việt Nam. Các nhà sản xuất này được xếp vào nhóm 2, nhóm 3, thậm chí là nhóm 5 – uy tín thấp nhất. Tất cả đều đủ điều kiện để đăng ký lưu hành ở thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, danh sách công bố cho thấy tỉ lệ trúng thầu với các nhà sản xuất của Pháp vẫn là cao nhất, chiếm 102 trên tổng số 181 BV, sở y tế trên cả nước.
Hiện không rõ Bupivacaine của nhà sản xuất Polfa Ba Lan – cũng thuộc nhóm 1 các nhà sản xuất uy tín nhưng đang bị nghi ngờ chất lượng – trúng thầu ở bao nhiêu BV, sở y tế. Nhưng con số trúng thầu thuốc của Pháp theo danh sách này cho thấy dược phẩm Pháp vẫn giữ thị trường khá tốt.
Và theo Công văn 19760 của Cục Quản lý dược, nếu thấy cần phải thay ngay thuốc Ba Lan, các cơ sở y tế có thể chủ động mua trực tiếp, chỉ định thầu hoặc chỉ định thầu rút gọn thuốc khác, theo danh sách trúng thầu này, thay vì thủ tục đấu thầu rộng rãi vốn cần nhiều thời gian.
NGHĨA NHÂN – AN HIỀN
Theo PLO
Tạm ngưng sử dụng thuốc tê nghi gây tai biến
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, dù chưa có kết luận chính thức các tai biến ở Đà Nẵng do thuốc tê Bupivacain WPW Spinal 0,5 Heavy (Ba Lan sản xuất) gây ra, nhưng để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tạm ngưng sử dụng loại thuốc tê này.
Bác sĩ chích thuốc tê cho bệnh nhân trước ca mổ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn
Theo Bộ Y tế, 3 vụ tai biến làm 2 sản phụ t.ử v.ong và 1 người nguy kịch tại Đà Nẵng đều xảy ra sau khi gây tê tủy sống giảm đau sau mổ lấy thai.
* Nỗi lo ngộ độc thuốc tê
Trước thông tin này, nhiều người tỏ ra lo lắng khi mình sắp đối mặt với những ca mổ tương tự. Chị N.T.N. (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, chỉ còn 5 tuần nữa chị sẽ sinh con thứ hai bằng phương pháp sinh mổ. Trong lần sinh trước, chị được bác sĩ gây tê tủy sống và mổ bắt con. “Lần sinh này, tôi cũng chọn phương pháp tương tự để sinh con, nhưng những thông tin gần đây về các tai biến có thể liên quan đến thuốc tê làm tôi rất lo lắng” – chị N. nói.
Việc sử dụng thuốc tê hiện nay mang tính bắt buộc và rất phổ biến trong các loại phẫu thuật để giảm đau đớn cho bệnh nhân. Tình trạng ngộ độc thuốc tê không phải hiếm gặp. Cách đây 4 tháng, một sản phụ nhập viện sinh mổ tại khu B Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã đối mặt với tình trạng ngộ độc thuốc tê do cơ địa. 30 giây sau khi vừa chích thuốc tê, sản phụ lên cơn co giật và ngưng tim. “Ngay lập tức chúng tôi đã cấp cứu, truyền Lipid 20% và một số thuốc khác cho sản phụ. Chỉ vài phút sau, sản phụ đã tỉnh táo, mạch và huyết áp về chỉ số bình thường và các bác sĩ tiếp tục ca mổ lấy thai. Trước ca mổ, sản phụ cho biết đã từng bị khó thở sau khi chích thuốc tê trong lần mổ bắt con trước đây tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). Dựa vào thông tin đó, chúng tôi rất cẩn trọng khi chích thuốc tê cho sản phụ” – bác sĩ CKI Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng khoa Gây mê – hồi sức, khu B Bệnh viện đa khoa Đồng Nai kể.
ThS-BS.Lê Quang Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật – gây mê – hồi sức Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chia sẻ, gây tê là phương pháp vô cảm giúp bệnh nhân không cảm thấy đau đớn khi mổ. Thuốc tê cũng như các loại thuốc khác, khi đưa vào cơ thể đều có khả năng gây ngộ độc hoặc dị ứng. Tuy nhiên, các phản ứng phụ của thuốc tê càng ngày càng ít hơn. Thực tế hành nghề 22 năm trong lĩnh vực gây tê/gây mê, bác sĩ Sơn đã gặp phải một số trường hợp bị ngộ độc, dị ứng thuốc tê dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. “Nhưng may mắn, bệnh nhân đều được hồi sức cấp cứu, vượt qua tình trạng nặng để tiếp tục ca phẫu thuật” – bác sĩ Sơn cho biết.
* Bệnh nhân không nên quá lo lắng
Theo các bác sĩ, các trường hợp ngộ độc hay dị ứng dẫn đến sốc phản vệ thuốc tê đều có “cách giải”, phụ thuộc vào từng mức độ của bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân có phản ứng lạ với thuốc tê ngay khi đang tiêm, bác sĩ sẽ ngưng thuốc tê và cho bệnh nhân thở oxy. Nặng hơn, toàn thân của bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng ngưng thở, ngưng tim, bác sĩ sẽ phải can thiệp đúng phác đồ xử lý ngộ độc thuốc tê (truyền Lipid và thuốc hạ huyết áp) để cứu bệnh nhân.
Tất cả các bác sĩ chuyên về gây mê/gây tê đều được đào tạo xử lý các ca ngộ độc, dị ứng thuốc tê. Trước thông tin về các tai biến gần đây, nghi ngờ có liên quan đến thuốc tê, bác sĩ Sơn cho rằng, bệnh nhân không nên quá lo lắng. Nhưng để ca mổ suôn sẻ, người bệnh cần phải báo cho bác sĩ về: các loại thuốc đang sử dụng, dị ứng với loại thuốc nào (nếu có)… để bác sĩ có phương án tốt nhất trong lựa chọn thuốc gây tê. “Không phải bệnh nhân nào cũng bị dị ứng hay ngộ độc thuốc tê. Nhưng bác sĩ cần theo dõi sát bệnh nhân và nhanh chóng xử lý theo đúng phác đồ Bộ Y tế đưa ra khi tình trạng ngộ độc hay dị ứng xảy ra trên bệnh nhân” – bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, trong thực tế, ngộ độc thuốc tê không xảy ra thường xuyên, có dấu hiệu “báo trước” ở hệ thần kinh và tim mạch. Trên hệ thần kinh, bệnh nhân sẽ xuất hiện cảm giác: miệng đắng, tê môi, ù tai, đờ đẫn, lú lẫn, nặng hơn là rơi vào hôn mê, co giật. Trên hệ tim mạch, bệnh nhân sẽ đối mặt với tình trạng: rối loạn nhịp tim, trụy mạch. Nhưng trước khi chích thuốc tê, bác sĩ sẽ căn cứ vào loại phẫu thuật, cơ địa của bệnh nhân (người già, t.rẻ e.m, phụ nữ hoặc đàn ông…) để ước lượng thời gian của ca mổ, từ đó sẽ chích thuốc tê đủ liều lượng cho mỗi bệnh nhân, mỗi loại phẫu thuật.
Không chỉ riêng thuốc tê, tất cả các loại thuốc đều có tỷ lệ tai biến nhất định. Theo tỷ lệ chung của thế giới, cứ 10 ngàn ca thực hiện gây tê, sẽ có 3-6 ca bị ngộ độc thuốc tê. “Bác sĩ cần chủ động dự phòng các tình huống xấu có thể xảy ra đối với bệnh nhân bằng cách: chọn thuốc phù hợp với từng cơ địa bệnh nhân, chích chậm và theo dõi sát từ trước, trong và sau mổ… Khi xảy ra tai biến, bác sĩ cũng phải nhanh chóng xử trí theo đúng phác đồ để cứu bệnh nhân” – bác sĩ Tuấn nói.
Thuốc tê Bupivacain WPW Spinal 0,5 Heavy (Ba Lan sản xuất) nằm trong danh mục thuốc trúng thầu và sử dụng tại nhiều cơ sở y tế phía Nam. Tại các bệnh viện trên địa bàn Đồng Nai, loại thuốc này đã trúng thầu năm 2018 và thường xuyên được sử dụng gây tê cho bệnh nhân trong các loại phẫu thuật. Trước thông tin về 3 ca tai biến ở Đà Nẵng, đến nay các bệnh viện đã tạm ngưng sử dụng loại thuốc tê này và sử dụng 4 loại thuốc gây tê khác trong danh mục thuốc trúng thầu để thay thế.
Bích Nhàn
Theo baodongnai