Khô mắt kéo dài tác động tiêu cực đến sức khỏe

Khô mắt xảy ra khi mắt không tiết đủ nước mắt để làm ẩm bề mặt nhãn cầu. Tình trạng này khiến mắt rất dễ bị mỏi.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khô mắt. Khô mắt và mỏi mắt kéo dài sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống.

Những nguyên nhân thường gặp khiến khô mắt là do nhìn quá lâu vào màn hình các thiết bị điện tử, tác động từ gió, không khí khô, hóa chất hay tác dụng phụ của thuốc.

Ngoài ra, mắc bệnh bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp và rối loạn tuyến giáp cũng có thể gây khô mắt, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Khô mắt, mỏi mắt kéo dài có thể gây nhức đầu và làm giảm hiệu suất làm việc. Ảnh PEXELS

Các triệu chứng của khô mắt là cảm giác mắt nóng rát, ngứa, cộm bên trong mắt. Mắt cũng sẽ bị đỏ, nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ, khó tập trung thị giác. Điều trị khô mắt rất cần thiết, đặc biệt là những trường hợp bị khô mắt kéo dài. Nhờ đó, người bệnh có thể ngăn ngừa mắt bị tổn thương và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nếu không điều trị, mỏi mắt và khô mắt sẽ dẫn đến nhức đầu, đặc biệt là khi phải làm việc tập trung hoặc đang bị căng thẳng. Thậm chí, khô mắt kéo dài còn có liên quan đến chứng đau nửa đầu.

Mặc dù không có bằng chứng khoa học rõ ràng nào cho thấy khô mắt là nguyên nhân gây đau nửa đầu nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ giữa hai tình trạng này. Theo đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người bị khô mắt có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn bình thường.

Một vấn đề khác khi bị mỏi mắt, khô mắt kéo dài là xuất hiện tình trạng đau nhức ở cổ và vai. Vì vấn đề ở mắt có thể khiến người bệnh nhìn mờ, khó tập trung. Tình trạng này khiến họ có xu hướng hơi nghiêng đầu về phía trước để nhìn rõ hơn khi học tập, làm việc. Chính tư thế như vậy khi duy trì trong thời gian dài sẽ khiến các cơ ở cổ và vai bị kéo căng, dẫn đến nhức mỏi.

Ngoài ra, những vấn đề trên khi kết hợp sẽ tác động đáng kể đến năng suất làm việc và các hoạt động hằng ngày. Vì chúng sẽ gây khó chịu cho mắt và làm suy giảm các hoạt động đòi hỏi mức độ tập trung thị giác cao như lái xe, đọc sách hay làm việc trên thiết bị điện tử.

Để kiểm soát khô mắt và ngăn ngừa mỏi mắt, người mắc có thể dùng nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ mắt theo toa và các loại thuốc làm tăng tiết nước mắt. Ngoài ra, thay đổi lối sống như sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng, tránh các chất gây kích ứng và nghỉ ngơi đúng cách khi sử dụng máy tính trong thời gian dài sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu, theo Healthline.

Các nội tạng của chúng ta thực sự nặng bao nhiêu?

Trọng lượng của các cơ quan nội tạng có thể khác nhau tùy người. Điều này tùy thuộc vào một số yếu tố.

Các nghiên cứu cho thấy trọng lượng của các nội tạng sẽ dao động quanh một mức trung bình.

Một nghiên cứu đăng trên chuyên san Forensic Science International đã tìm ra trọng lượng trung bình của một số cơ quan nội tạng bên trong cơ thể người. Kết quả cho thấy gan là cơ quan nội tạng nặng nhất, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Gan được xem là cơ quan nội tạng nặng nhất, với trọng lượng dao động từ 1,475 đến 1,677 kg. Ảnh SHUTTERSTOCK

Một lá gan của người sẽ có trọng lượng trung bình dao động từ 1,475 đến 1,677 kg. Cơ quan nội tạng nặng thứ hai sau gan là phổi. Một lá phổi thường nặng từ 467 gram đến 663 gram. Tuy nhiên, điều thú vị các nhà nghiên cứu nhận thấy là phổi bên phải thường nặng hơn bên trái.

Trái tim có trọng lượng từ 312 đến 365 gram. Trong khi đó, mỗi quả thận nặng bằng một nửa trái tim. Cụ thể, mỗi quả thận sẽ có trọng lượng từ 135 đến 162 gram.

Nhẹ hơn thận là lá lách. Một lá lách bình thường sẽ nặng từ 140 đến 156 gram. Tiếp đến là tuyến tụy, nặng từ 122 đến 144 gram.

Trong nghiên cứu, cơ quan nhẹ nhất là tuyến giáp. Dù đóng vai trò rất quan trọng giúp điều chỉnh hoóc môn trong cơ thể nhưng tuyến giáp chỉ nặng trung bình từ 20 đến 25 gram, tương đương trọng lượng một con chuột nhỏ.

Gan là cơ quan nội tạng nặng nhất. Nhưng trên cơ thể, một cơ quan khác còn nặng hơn cả gan. Đó chính là da. Nghiên cứu trên chuyên san Nursing Times cho thấy da chiếm khoảng 15% trọng lượng cơ thể. Điều này có nghĩa là nếu một người nặng 60 kg thì trọng lượng của toàn bộ da sẽ là 9 kg, theo Healthline.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *