Thêm 2 người bị hôn mê sâu khi đốt củi sưởi ấm trong phòng kín

Mặc dù được cảnh báo rất nhiều, nhưng trong những ngày giá rét vừa qua, nhiều người vẫn đốt than, củi sưởi ấm trong phòng kín.

Hai người ở Thanh Hoá vừa phải nhập viện cấp cứu sau khi bị hôn mê sâu do đốt củi sưởi ấm qua đêm.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, cả hai trường hợp này đều bị ngộ độc khí CO khi đốt củi sưởi ấm đi ngủ trong phòng đóng kín.

Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân N.T.M (63 t.uổi, trú tại xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá) nhập viện vào lúc 4h sáng trong tình trạng hôn mê sâu. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, do giá rét và nhiệt độ giảm sâu, nên tối hôm trước, bệnh nhân có đốt củi để sưởi ấm và đóng kín cửa khi ngủ. Đến 3h sáng, con của bệnh nhân phát hiện mẹ đang trong tình hôn mê sâu nên gia đình đã đưa đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.


Bệnh nhân N.T.M đang được bác sĩ chăm sóc.

Tại đây, qua kiểm tra, các bác sĩ thấy bệnh nhân có nồng độ CO2 trong m.áu cao. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc khí CO và đặt ống thở. Sau 1 ngày được cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực, bệnh nhân không phải thở máy, ý thức cải thiện. Hiện tại nữ bệnh nhân đã tỉnh táo và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị theo phác đồ.

Trường hợp thứ hai là là cụ bà L.T.N (90 t.uổi, trú tại xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) nhập viện lúc 10h trong tình trạng lơ mơ, giảm ý thức, được chẩn đoán ngộ độc khí CO.

Theo anh T.X.L, con trai bệnh nhân, do thời tiết quá lạnh nên mẹ anh đã dùng củi đốt trong phòng kín để sưởi ẩm. Khi đi làm về, anh thấy mẹ trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức, nên đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để cấp cứu.

Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2.

ThS.BS Lê Xuân Quý, Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá cho biết, rất may cả 2 bệnh nhân đều được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời, nên đã cứu sống được tính mạng. Hiện, cả hai chưa để lại biến chứng đáng tiếc nào.

Năm nào vào những ngày giá rét, nhiệt độ giảm sâu, cũng xảy ra tình trạng người dân bị ngộ độc khí CO do đốt than, củi trong phòng kín để sưởi ấm. Có nhiều trường hợp t.ử v.ong do phát hiện muộn.

Vào tháng 1/2023, tại xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá cũng phát hiện có 2 vợ chồng t.ử v.ong trong phòng ngủ, bên cạnh giường có một chậu than củi đã tàn.

Đợt rét đậm, rét hại này, cả nước đã ghi nhận 5 ca ngộ độc khí CO khi đốt than, củi sưởi ấm.

Các bác sĩ và Bộ Y tế luôn khuyến cáo người dân, tuyệt đối không đốt than, củi sưởi ấm trong không gián kín, mà chỉ dùng than, củi để sưởi ở những nơi có không gian thoáng.

Bởi đốt than trong phòng ngủ, nhà chật hẹp lại đóng kín cửa, việc cháy sẽ đốt hết khí oxy, sản sinh ra khí CO gây ngộ độc. Với đặc điểm của khí CO là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ. Người ngộ độc khói than sẽ từ từ rơi vào trạng thái vô thức rồi dẫn đến t.ử v.ong, đó là điều rất nguy hiểm dẫn đến nhiều trường hợp thương tâm do dùng than sưởi trong phòng kín.

Các chuyên gia cũng cho biết, trường hợp ngộ độc nhẹ, tuy không gây t.ử v.ong, nhưng sẽ gây nên những tổn thương não khó hồi phục. Di chứng thần kinh, tâm thần gặp ở nhiều trường hợp ngộ độc CO, sau khi hồi phục người bệnh thay đổi tính cách, giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt nửa người, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt.

Những biểu hiện này được gọi là hội chứng thần kinh – tâm thần muộn, chiếm tới 40% trường hợp nạn nhân bị ngộ độc khí CO.

Đốt than sưởi ấm, 3 người bị ngộ độc khí CO

Thời tiết rét đậm, rét hại khiến 1 gia đình gồm 2 vợ chồng ở Lạng Sơn đốt than hoa sưởi ấm và bị ngộ độc khí CO.

Thêm vào đó, một cháu bé 12 t.uổi ở tỉnh này cũng phải nhập viện sau khi đốt than củi sưởi ấm để tắm.

3 trường hợp vừa bị ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm xảy ra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó có 2 bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Trường hợp nặng nhất là nam bệnh nhân 61 t.uổi, trú tại huyện Lộc Bình cùng vợ tự đốt than hoa sưởi ấm trong nhà, được người nhà phát hiện trong tình trạng gọi hỏi không biết, tím tái toàn thân. Sau khi được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc khí CO. Do tình trạng nặng nên các bác sĩ đã tiến hành đặt máy thở và điều trị hồi sức tích cực.

Vợ bệnh nhân cũng bị ngộ độc khí CO mức độ nhẹ hơn, đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình.


Bệnh nhân nặng nhất đang phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực.

Trường hợp thứ ba là bệnh nhân nhi 12 t.uổi, trú tại TP Lạng Sơn, vào viện trong tình trạng lơ mơ, tím môi. Theo người nhà cho biết, trước đó, mẹ cháu bé đặt than củi trong buồng tắm kín cho con đi tắm. Khoảng 40 phút sau gọi không thấy con trả lời, người mẹ phát hiện con nằm bất tỉnh trong phòng tắm. Gia đình nhanh chóng đưa con đi cấp cứu.

Ngay khi vào viện cháu bé được thở oxy dòng cao, hồi sức tích cực, may mắn bệnh nhân đã hồi phục tốt. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, sức khoẻ đã tạm ổn định.

Trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ ở vùng cao giảm sâu, có nơi giảm xuống 0 độ C, vì vậy, một số người dân có thói quen đốt than sưởi ấm trong phòng kín và đã gặp hoạ khi bị ngộ độc khí CO. Bộ Y tế đã có nhiều khuyến cáo, đặc biệt vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, TP về việc phòng, chống rét cho người dân, trong đó, đề nghị các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Y tế cảnh báo để nguời dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.

Theo các bác sĩ, khi thời tiết chuyển lạnh, thay vì sử dụng than, củi để sưởi ấm trong phòng, người dân có thể sử dụng nhiều biện pháp giữ ấm khác như: Che chắn kỹ các phòng; mặc trang phục phù hợp để giữ ấm cơ thể; dùng đèn sưởi, quạt sưởi, điều hoà; uống đủ nước, nên uống nước ấm, tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ.
Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra ngoài không gian thoáng khí để kịp thời bổ sung oxy, đồng thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *