Ít ai ngờ trong chiếc thìa nhựa dùng để ăn sữa chua có chứa nhiều chất độc hại do nguyên liệu làm thìa là nhựa tái chế, không qua kiểm soát, không khử độc tố.
Với giá 15.000 – 20.000 đồng/kg (gồm cả giá vận chuyển đến tận nơi), các cửa hàng kinh doanh sữa chua không phải lo lắng về thìa nhựa để phục vụ khách hàng bởi 1 kg thìa có tới cả ngàn chiếc.
“Nơi chúng tôi vẫn mua thìa nhựa nhỏ này với lượng lớn là từ các cơ sở xản xuất nhựa tái chế. Có thể mua từ Gia Lâm, Đông Anh hoặc Thanh Trì”, chị Phương Liên, chủ cửa hàng sữa và các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa trên phố Chùa Láng cho biết.
Chị Liên cho biết việc mua thìa nhựa rất đơn giản, cửa hàng không phải mất công đi tìm. Chính những nơi sản xuất, kinh doanh thìa nhựa có thể tìm đến và giới thiệu, nếu thỏa thuận được về giá cả thì 2 bên trao đổi t.iền – hàng.
“Tôi thực sự cũng không biết là thìa đó có đảm bảo an toàn hay không. Mình chỉ là người mua thìa về thôi, còn chất lượng thìa thế nào thì chắc phải có cơ quan chức năng quản lý rồi”, chị Liên nói.
Vì dễ mua, giá lại quá rẻ nên khách mua sữa chua có thể được cửa hàng đưa cho bao nhiêu thìa nhựa tùy thích. Nhưng thực tế thìa nhựa này chứa rất nhiều chất độc hại.
Kết quả phân tích cho thấy thìa nhựa dùng để ăn sữa chua có chứa quá nhiều chất độc với hàm lượng cao hơn gấp nhiều lần so với mức được cho phép.
Ông Trần Sung, đến từ Viện Hóa học cho biết: “Trước đây Viện đã từng làm xét nghiệm, phân tích thành phần của chiếc thìa nhựa đang được sử dụng để ăn sữa chua (hoặc thực phẩm khác). Kết quả cho thấy hàm lượng kim loại nặng có trong thìa nhựa này rất cao”.
Các độc chất tìm thấy trong thìa nhựa là chì, họat chất cadimi, cacbonat với hàm lượng 20%. Trong khi đó, mẫu chuẩn đạt đủ điều kiện để sử dụng thì không chứa các chất này.
Theo ông Sung, hàm lượng kim loại độc nặng như trên cho thấy thìa nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế không rõ nguồn gốc, không được khử khuẩn nghiêm ngặt theo quy định. Do đó, trong thìa nhựa sẽ có chứa rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu các loại thìa này được tái chế từ rác thải y tế thì nguy cơ độc hại càng cao, nhất là với t.rẻ e.m.
Một điểm nguy hiểm nữa là thìa nhựa như trên thường được sử dụng để xúc sữa chua, một loại đồ ăn có độ PH thấp. Tuy nhiên, các độc tố kim loại nặng trên lại dễ bị hòa tan trong môi trường có độ PH thấp. Do đó, khả năng các độc tố tan và khuếch tán vào sữa là hoàn toàn có thể xảy ra, người tiêu dùng ăn vào sẽ rất độc hại. Nó có thể không gây ngộ độc tức thời nhưng nếu dùng trong thời gian dài sẽ gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm (tim mạch, gan, thận, ung thư, …)
“Hiện nay có loại thìa gỗ nhỏ có thể sử dụng để ăn sữa chua được. Người dân nên sử dụng loại này, như thế có thể sẽ tốt hơn”, ông Sung khuyến cáo.
Ngọc Anh